Món quà của Kinh Sư*



Câu chuyện kể về một tu viện đang rơi vào thời kỳ suy tàn. Từng một thời hưng thịnh, trải qua những làn sóng bài tôn giáo trong suốt thế kỷ 17, 18 và sự lấn át của chủ nghĩa vô thần (secularism) vào thế kỷ 19, giáo hội đã mất toàn bộ các giáo xứ, con chiên, cả những người gắn bó cũng lần lượt ra đi - giờ chỉ còn lại 5 tu sĩ già trụ lại trong khu lưu xá cũ nát: Cha trưởng tu viện và 4 vị khác, tất cả đều đã ngoài 70. Rõ ràng giáo hội đã đến hồi cáo chung.

Trong khu rừng bao quanh tu viện có 1 cái am nhỏ mà vị Kinh Sư ở thị trấn lân cận thường đến để tịnh tâm. Trải qua nhiều năm cầu nguyện và thiền định, các vị tu sĩ đã đạt được trạng thái tâm linh tương thông, nên họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của Kinh Sư mỗi khi người tới trong kỳ khiết tịnh. Họ kháo nhau "Kinh Sư đang ở trong rừng, Kinh Sư đã trở lại rừng". Trăn trở ngày lụi tàn của hội thánh gần kề, Đức Cha quyết định đến thăm kinh sư một lần với hy vọng Người có thể cho lời khuyên hòng cứu lấy tu viện.

Vị kinh sư chào đón Đức Cha ở am thất của mình. Nhưng sau khi nghe Đức Cha giãi bày mục đích viếng thăm, kinh sư chỉ có thể bày tỏ sự đồng cảm: "Ta hiểu cảm giác của Cha. Dường như đức tin đã không còn ở trong chúng nhân. Ở làng của ta cũng thế, hầu như chẳng còn mấy ai đi đến giáo đường nữa." Hai vị giáo sĩ già đành xót xa chia sẻ nỗi lòng. Họ cùng nhau đọc kinh Torah** và lặng lẽ đàm luận. Rồi cũng đến lúc Đức Cha cáo từ, họ ôm chầm nhau động viên.

"Thật tuyệt được hội ngộ với Người sau ngần ấy năm." Đức Cha nói, "Nhưng tôi vẫn không hoàn thành mục đích khi đến đây. Không lẽ Người không có bất cứ lời chỉ giáo nào giúp tôi vực dậy hội thánh đang hấp hối sao?"

"Không, ta rất tiếc," Kinh Sư đáp. "Ta không có lời khuyên nào cả cho Cha cả. Điều duy nhất ta có thể nói đó là Đấng Cứu Thế (Messiah) là một người trong số các vị."

Khi Đức Cha trở về tu viện, các vị huynh đệ liền tụ tập hỏi thăm "Thế nào hả Cha? Kinh Sư đã nói gì?"

"Người cũng chẳng thể giúp gì được," Đức Cha trả lời. "Chúng tôi chỉ cùng nhau cầu nguyện và đọc kinh Torah. Điều duy nhất Người nói với tôi, chỉ trước khi tôi cáo biệt - nhưng nghe rất mông lung - là Đấng Cứu Thế chính là một trong số chúng ta. Tôi không hiểu ẩn ý của Người là gì."

Những ngày tháng tiếp sau đó, các vị tu sĩ già trầm mặc suy tư và cân nhắc khả năng về những lời của kinh sư. Đấng Cứu Thế là một trong số chúng ta? Phải chăng người ám chỉ là một người trong số các thầy ở trong tu viện này? Nếu quả vậy thật thì đó là ai? Hay là ý Người nói đó là Đức Cha trưởng viện? Phải rồi, nếu Người ám chỉ ai ở đây, chỉ có thể là Đức Cha bề trên thôi. Cha đã là người lãnh đạo tinh thần của chúng ta hơn một thế hệ còn gì. Mà cũng có thể, Người nói về Thầy Thomas chăng. Không hoài nghi gì Thầy Thomas là một vị thánh sống. Ai cũng biết Thomas là một người khai sáng. Hiển nhiên ý Kinh Sư không phải chỉ Thầy Elred đâu! Elred nhiều lúc hết sức quái gở. Nhưng gượm đã, dù không ít lần thầy ấy như cái gai trong mắt người khác, khi suy đi nghĩ lại những việc đã qua, Elred gần như luôn luôn có lý - rất có lý nữa là khác. Lẽ nào Kinh Sư ngầm định là Thầy Elred sao. Nhưng thể nào cũng không phải là Thầy Phillip rồi. Phillip quá đỗi thụ động và lặng lẽ, một người không mấy ai để ý tới sự hiện diện. Ấy mà kỳ lạ thay, không biết bằng cách nào thầy ấy luôn có mặt khi ta cần đến. Thầy như màu nhiệm hiện diện bên cạnh chúng ta hết sức đúng lúc. Rất có thể Phillip là Đấng Cứu Thế. Nhưng chắc hẳn Kinh Sư không nói đến tôi đâu. Chắc chắn không thể nào là tôi rồi. Tôi chỉ là một kẻ bình thường mà thôi. Lẽ nào ý Người là thế? Tôi mà là Đấng Cứu Thế ư? Lạy Chúa, không thể nào. Tôi có thể vĩ đại như thế thật sao?

Từ những suy tư đó, các vị tu sĩ bắt đầu đối xử với nhau bằng lòng tôn kính đặc biệt với tâm niệm rằng bất kỳ ai trong số họ đều có khả năng là Đấng Cứu Thế. Và đồng thời, bản thân mỗi người cũng có thể là Đấng Cứu Thế, họ cũng bắt đầu tự đối xử với chính mình một cách hết sức tôn kính.

Nhờ tọa lạc ở khu rừng với cảnh quan tươi đẹp, người dân xung quanh vẫn thi thoảng đến khu bãi cỏ của tu viện để cắm trại, tản bộ xung quanh các lối vòm, hay tới khu nhà nguyện để tịnh tâm. Một cách vô thức, những người đến đều cảm nhận được một vầng hào quang phát tiết ra từ sự tôn kính đặc biệt giữa 5 vị tu sĩ già, và tinh thần ấy lan tỏa ra từ họ và tràn ngập bầu không khí chung quanh tu viện. Có điều gì đó vô cùng cuốn hút, thậm chí đầy mê hoặc ở chốn này. Dù không thể lý giải được, mọi người dần quay trở lại tu viện thường xuyên hơn để cắm trại, để vui chơi, để cầu nguyện. Họ bắt đầu dẫn theo bạn bè mình để giới thiệu về nơi đặc biệt này. Và cứ thế những người bạn lại đem đến những người bạn khác nữa.

Đến một ngày, một số thanh niên trong những lần viếng thăm bắt chuyện và đàm luận nhiều hơn với các vị tu sĩ già. Sau cùng, một người hỏi xin gia nhập tu viện. Và một người nữa, rồi một người khác nữa. Vậy là chỉ trong vài năm, một hội thánh phồn thịnh, một thánh địa chan hòa ánh sáng và tâm linh lại một lần nữa phục sinh trên vùng đất này - nhờ có món quà của Kinh Sư.

(Nguyên tác "The Rabbi's gift" trích từ The Different Drum - M.Scott Peck | Dịch bởi Nguyễn Đức Nhật)


---
*Nguyên văn "Rabbi": giáo sĩ Do Thái, người truyền dạy kinh viện
**Torah - ngũ kinh hay giới răn Moses: thánh kinh của người Do Thái

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Bài học từ chai Coca

Biết mình

Món của mẹ