Nhật ký đi học xứ người 21.8

Lượm lặt chuyện Mỹ

Giao tiếp

Người Mỹ có vẻ cực quan trọng chuyện giao tiếp xã hội, ai họ cũng có thể dễ dàng bắt chuyện và tỏ ra thân thiện. Dù đi ngoài đường hay trong cửa hàng, nếu nhìn thấy bạn thì tức khắc họ sẽ chào hỏi ngay, kèm giao tiếp mắt - "Hi! How're you doing?" như thể một câu thông lệ của văn hoá bên đây vậy. Và họ sẽ trông đợi bạn cũng đáp lại như thế "Very well, how are you?" Mấy ngày đầu qua mình cũng chưa quen, hơi ngợp trước hàng loạt câu chào như thế, có khi không để ý vô tình lờ đi không chào lại là bị bạn đi cùng nhắc nhỏ. Khổ, văn hoá VN từ nhỏ được dạy "Không được bắt chuyện với người lạ. Coi chừng bị lừa." nên cứ ngại ngùng ăn vào trong máu rồi. Coi như một dịp bước ra khỏi vùng an toàn.

Dễ thiết lập kết nối như thế nhưng dân Mỹ lại vô cùng suy xét ai được phép bước vào vòng tròn bạn bè của họ. Chỉ khi thực sự tin tưởng một ai họ mới thực sự tiếp giao ở mức độ thân thiết hơn.

Đi ăn

Mỹ khá sòng phẳng chuyện ăn uống. Và cả việc gọi món cũng thể hiện đậm văn hoá cá nhân bên đây: của ai người nấy gọi tuỳ theo ý thích. Những tiệm cho phép thực khách "build" (tức chọn các thành phần của món ăn) khá hút khách bên này. Xong xuôi thì phần ai nấy trả. Các phục vụ/ thu ngân cũng rất tinh ý luôn hỏi tính 1 bill hay tính riêng - nhưng cũng thừa hiểu đa phần sẽ tính riêng nên khi lấy order thì họ đã tính sẵn cho từng người rồi. Trừ khi có ai đó nói rõ "It's on me!" (nay mình bao) hay "I want to treat you this!" - thì lúc đó chỉ cần cười duyên và "Thank you!"

Kèm với việc ăn tiệm là văn hoá tips (boa) ở Mỹ. Thông thường các dịch vụ ăn uống sẽ kỳ vọng khách hàng chi thêm một khoản cho phục vụ. Trung bình 15-20% tổng chi phí (nên đi quán có phục vụ là xót cả ruột.) Nhiều nhà hàng sau khi tính tiền khách xong - hầu hết là quẹt thẻ - sẽ gửi khách 2 bill. Một liên để khách "tự giác" điền vào số tiền muốn boa và gửi lại tiệm, họ sẽ nhập thêm vào số đó tương ứng thẻ khách đã cà. Liên còn lại khách sẽ giữ (mà chẳng mấy khi giữ) để đối chiếu nếu nhà hàng nào ma giáo khai khống số tiền kia lên. Mà ở Mỹ vụ gian manh kiểu này bị phạt rất nặng, phát giác ra là bay job, khởi tố ra toà và bị vết đen trong lý lịch nên nghe nói rất hiếm xảy ra.

Nhìn chung thì mình khá thích phong cách dịch vụ ở các tiệm ăn Mỹ. Rất nhiều bạn phục vụ cực cool pha trò khi giới thiệu món hay lấy order, luôn hỏi trải nghiệm của khách và đảm bảo cá nhân hoá cho từng người. Dẫu biết sự nhiệt tình đó hòng được thêm tip nhưng không khiến người ta thấy khó chịu.

Phần ăn thường là gấp rưỡi hay gấp đôi khẩu phần thông thường người Á Đông, và vẫn nhiều ngay cả với chính dân Mỹ. Mình đi ăn với bạn bè bên này vẫn hay gọi 1 phần rồi share, hoặc chỉ thêm 1 side dish. Nhưng với chúng bạn Mỹ gốc thì thể nào cũng gọi ra một phần cho riêng mình, và không ăn hết thì sẽ yêu cầu bỏ hộp mang về. 90% số đồ ăn mang về đó sẽ ở trong tủ lạnh ít bữa cho đến vài tuần, tới khi kết thúc trong sọt rác. Đem thắc mắc về size đồ ăn hỏi thầy và bạn bè thì nghe giải thích vốn tâm lý người Mỹ trông chờ nhiều (tới mức thừa mứa) những gì họ chi trả. Và sẽ thất vọng nếu nhận được phần ít hơn, dẫu họ không thể tiêu thụ hết nổi. Nghịch lý người nghèo thường béo phì chứ không phải người thu nhập cao - như rõ đặc quyền của giới giàu mới đủ khả năng ăn healthy và tập gym. Câu cửa miệng từ bạn bè tới dân bản xứ bảo mình: "You will get fat here, cheese and fast food everywhere!", "Yeah, it's not good for your health but you live here, you don't have any other choices but eat the way it is here!" Song quay đi quay lại vẫn là niềm tin tự nhắc nhở mình: chúng ta luôn luôn có sự lựa chọn.


Bữa ăn điển hình

Trường hợp được mời về nhà ăn tối, thông lệ bên này là người khách nên mang theo một thứ gì đó như thể cám ơn thành ý của chủ nhà. Mình được dạn luôn hỏi "Shall I bring something?" bất cứ lúc nào nhận được lời mời. Và ngay cả khi được bảo rằng không cần đâu thì vẫn đừng bao giờ tới tay không ?!? Nếu biết chủ nhân thích rượu thì rất nên tặng một chai. Không thì trái cây, món ăn nào đó. Hay an toàn nhất là một bó hoa. Hồi tối này có cơ hội thực hành, xém chút nữa đã mua một chậu hoa violet khá xinh đem tặng, nhưng trộm nghĩ người ta liệu có phiền không khi phải chăm. Cuối cùng chọn phương án an toàn là mua bó hoa (à, bên này họ khá thích mix nhiều loại với nhau thành bó to - mình sinh viên nghèo chỉ dám mua một bó) Thật may vì sau đó mới được giải thích là trong các trường hợp quen biết sơ hay lần đầu thì chỉ nên mua hoa bó, còn chậu thì chỉ dành cho các mối quan hệ đặc biệt thân tình.

Chủ nhà sẽ thích thú nếu bạn ăn nhiệt tình đồ họ nấu. Ơn trời mình là đứa dễ ăn nên cái gì cũng thấy ngon. Và một điều chẳng bao giờ thấy ở Việt Nam là mình được hỏi một cách chân thành sau bữa ăn: "Mày có muốn mang một ít đồ ăn đem về không?" Người nấu rất lấy làm hài lòng nếu mình nói có.


Ăn tối ở nhà thầy Nathan G.

Đồ ăn Mỹ đặc sản chắc chỉ có... fast food mà vốn dĩ người sành ăn không đánh giá cao. Còn lại ẩm thực Mỹ là hầm bà lằng mọi nền văn hoá ăn uống Đông Tây kim cổ, mỗi cộng đồng người có một bản sắc riêng. Nói kiểu ví von, đồ ăn Mỹ không có món đặc trưng, nhưng đặc trưng ẩm thực nào cũng có, và đó là đặc trưng của món Mỹ. Ngoại trừ gà rán, burger, thứ mình thấy mang dấu ấn nhất chắc là món "pie" - kiểu bánh nướng trái cây. Thường người Mỹ không hay bày tráng miệng trong bữa ăn hàng ngày, nếu không phải thử tay nghề hoặc dịp đặc biệt thì bởi vì bạn là một vị khách quý họ muốn thiết đãi đặc biệt. Well, thật biết ơn sự hiếu khách mình đã được nhận.



Cherry pie


Comments

Popular posts from this blog

Bài học từ chai Coca

Biết mình

Món của mẹ