HÃY LÊN TIẾNG!


Cái ác chiến thắng khi người tốt không làm gì cả (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing) - trích phim Nước mắt mặt trời (Tears of the Sun)

Chiều nay ghé vào thư viện trường, tôi tình cờ chú ý có một góc trưng bày một số sản phẩm nghệ thuật trong tuần này. Vốn hiếu kỳ nên tôi ngần ngừ dừng lại xem. Và gần một giờ sau đó, tôi gần như chôn chân tại góc nhỏ đó để nhìn thật kỹ từng tác phẩm. “Nặng nề” và “ghê tởm” - đó là những cảm giác khi đọc qua từng mảnh ghép, từng câu chuyện được kể lại một cách biểu tượng từ #projectunbreakable.

Đó là những lời mãi mãi ám ảnh đối với những nạn nhân bị xâm hại tình dục. Rất nhiều trong số họ trải qua việc bị lạm dụng từ lứa tuổi rất nhỏ. Phong trào Unbreakable là dự án ảnh khuyến khích các nạn nhân lên tiếng - qua việc viết lại những lời kinh khủng của kẻ thủ ác với họ, hay đau đớn hơn, lời của những người thân thờ ơ, bao che hoặc thậm chí tiếp tay cho tội ác.

90% thủ phạm những vụ xâm hại là kẻ quen biết với người bị hại, và rất nhiều là người trong gia đình.

Chợt chạnh lòng nghĩ tới các sự kiện liên quan ở Việt Nam gần đây: tấn công tình dục (xin được gọi tên chính xác vấn đề thay lối nói ẫm ờ “cưỡng hôn”) chỉ xử phạt hành chính 200 ngàn; xâm hại học trò được đánh tráo “véo má, vỗ mông yêu”; cưỡng hiếp trẻ em được tại ngoại vì “phạm tội không nghiêm trọng”

Khi công lý bất lực, lương tâm được ngả giá và nhân phẩm con người bị chà đạp.
Thầy tôi, một giáo sư nhiều lần sang Việt Nam công tác kể với tôi chuyện thầy bị “sốc văn hoá” thế nào khi làm việc với đối tác một trường đại học lớn. Vị đối tác, cũng là người có học hàm cao, giới thiệu 2 bạn thư ký với ông: “Thầy biết không, tôi rất may mắn khi có 2 cô xinh đẹp đây làm trợ lý.” Thầy bảo : Ở Mỹ mà nói tương tự như vậy là mày mất chức rồi, có khi bị đuổi việc. Dưới góc nhìn người Mỹ, câu tưởng như khen kia hàm ý phụ nữ có được công việc vì bề ngoài chứ không bởi cái đầu và năng lực của họ. Họ đại kỵ lối suy nghĩ trên, xem phụ nữ như một món hàng thoả mãn nhu cầu đàn ông, là cơ nguồn những vụ quấy rối nơi công sở.

Trong mảng sức khoẻ tâm thần tôi đang theo học, và nhiều ngành nghề khác nữa bên này, có một khái niệm quan trọng khi hành nghề: “trách nhiệm buộc phải thông báo” (mandatory reporting) Dù quy tắc bảo mật với thân chủ (confidentiality) luôn đặt lên hàng đầu, nhưng một khi phát hiện thông tin dính dáng đến trẻ em bị ngược đãi, bỏ mặc hay xâm hại thì nhà chuyên môn có nghĩa vụ phải thông báo ngay lập tức cho cơ quan có thẩm quyền. Với những người làm trong giáo dục, trách nhiệm ấy được mở rộng thông qua công văn số 9 (Title IX) của bộ Giáo Dục Hoa Kỳ: bất cứ cán bộ nhân viên nhà trường nào khi biết tới trường hợp phân biệt đối xử, quấy rối hay xâm hại nào xảy ra với cá nhân liên quan tới trường (đặc biệt sinh viên, giảng viên) - đều buộc phải báo với cơ quan phụ trách.

Đọc tới đây chắc bạn sẽ nghĩ: rồi, lại một luận điệu cũ rích ca ngợi đế quốc và chửi đổng tổ quốc. Không hề!

Mỹ và các nước phương Tây dù làm chặt vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, phụ nữ như thế song những vụ án lạm dụng chấn động liên tục bị phanh phui. Hàng loạt nhân vật lớn lần lượt bị tố cáo - từ giải trí, thể thao, giáo dục, chính trị cho đến các đối tượng tưởng chừng không thể đụng tới: chức sắc tôn giáo (vụ điều tra năm 2002 về bê bối tình dục ở các nhà thờ Công Giáo, với hàng trăm tu sĩ bị dính líu) Mới đây nhất, bộ phim tài liệu “Leaving Neverland“ đã hoàn toàn đánh đổ hình tượng Michael Jackson trong công chúng vì lịch sử lạm dụng trẻ em của mình, dù ông hoàng vốn đã yên nghỉ từ 2009 vì lạm dụng chất.

Vấn đề ở đây là những hành vi vô đạo đức ấy được giữ kín rất lâu, thậm chí hàng chục năm, và những kẻ đồi bại không những nhơn nhởn thực hiện trong một thời gian dài mà cả gây nên tội ác cho bao nhiêu trẻ em và phụ nữ khác nhau - cho đến khi công chúng biết đến một phần sự thật. Những gì được phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng. Và ngay ở các nước vô cùng chú trọng nhân quyền, chuyện che dấu, mua chuộc truyền thông lẫn cơ quan hành pháp, bịt miệng nhân chứng xảy ra nhan nhản. Điều quan trọng ở chỗ: Đã có người dám lên tiếng.

Chính trên nước Mỹ này, không biết bao nhiêu sự đấu tranh, vận động và máu đã đổ xuống để có được những chuyển biến trong nhận thức xã hội và tác động sâu sắc đến cơ chế chính trị và luật pháp. Người mạnh mẽ đòi sự bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi, mục sư Martin Luther King Jr., nhận những viên đạn cho sự lên tiếng của mình. Hay như Harvey Milk, chính trị gia công khai đồng tính đầu tiên với những vận động mang tính cách mạng cho quyền LGBT, cũng bị giết vì sự kỳ thị và ganh ghét. Sự bất bình đẳng vẫn còn đó, nhưng đã khác đi vì mọi người bắt đầu đặt dấu chấm hỏi: những điều chúng ta tin trước giờ không có gì sai trái dường như có cái gì không đúng lắm.

Điều quan trọng vì đã có người dám lên tiếng.

Tôi thấy rất nhiều người hoang mang vì những “bệnh thời đại” liên tục xảy ra - kèm những giả thiết vô căn cứ:

Sao bây giờ nhìn đâu cũng thấy đồng tính? Chắc Gay là trào lưu của giới trẻ đua đòi.
Sao bỗng trẻ ngày nay bị tự kỷ nhiều vậy? Vì cha mẹ lo làm ăn và lạm dụng công nghệ nên con bị tự kỷ.
Sao ai cũng than bị trầm cảm? Do lười với giả vờ cả chứ làm gì có cái bệnh buồn.

Và cũng tương tự, chúng ta phủ nhận sự thật phũ phàng về những hành vi ấu dâm, xâm hại và lạm dụng - mà đôi khi xảy ra ngay trước mắt, trong chính gia đình mình, với những người chúng ta yêu thương nhất.

Những điều này không hề “tự nhiên” bây giờ mới xảy ra ồ ạt, chúng đã tồn tại xuyên suốt lịch sử loài người - chỉ là xã hội chưa đủ nhận thức hoặc sẵn sàng để tiếp thu. Cho đến một giai đoạn nhiều người hơn để tâm đến, chúng ta mới giật mình nhận ra “chuyện này trước giờ mới biết tới” Cộng thêm thời đại ngày nay việc cập nhật trở nên quá sức dễ dàng và nhanh chóng, trí não chúng ta không kịp xử lý hết lượng thông tin xung quanh. Và một cách tự nhiên, phản ứng trước những gì khác lạ với niềm tin cố hữu của con người là chối bỏ (denial).

Không phải đến khi phong trào #metoo rầm rộ, xâm hại tình dục mới trở thành đề tài nóng. Metoo được biết đến chính bởi vì đủ một số thành phần xã hội đã bắt đầu ý thức được việc này SAI.

Bởi vì đã có người dám lên tiếng.

Sau khi xem triển lãm, tôi tìm đến các trang mạng của dự án Unbreakable và đọc trực tiếp những tường thuật của người trong cuộc - tôi chỉ biết chết lặng và không tưởng tượng nổi một người làm sao sống sót qua những sang chấn khủng khiếp đó. Bị cưỡng hiếp bởi chính cha/ mẹ hay người thân hay chính chồng mình, bị đem bán (vâng, ở chính nước Mỹ tự do bác ái), bị đe doạ không được tiết lộ, bị chà đạp và xem như món hàng tình dục, và ngay cả khi dám nói lên sự thật họ bị chính gia đình phản bội và đổ lỗi, đến khi nhận được sự can thiệp thì câu đầu tiên được cảnh sát hỏi “Khi đó cô/ cậu ăn mặc thế nào?” (một lần nữa, ở chính nước Mỹ tôn trọng con người) Tôi chỉ thầm cảm phục sự dũng cảm của những bạn trẻ đó và cầu mong họ có được những sự hỗ trợ cần thiết để vượt qua bóng ma quá khứ, để tin cuộc đời này đáng sống và không gì huỷ hoại được giá trị con người họ.

Trở lại những vụ việc gần đây trên đất nước Việt Nam, tôi không muốn góp thêm những lời bất mãn về số liệu quấy rối ở nước ta hay về cách giải quyết của đơn vị thẩm quyền. Vì như đã nói, ngay trên nước Mỹ này bất công vẫn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Tôi chỉ nói lên sự đau lòng vì tất cả dường như cùng một kết cục: nạn nhân và người nhà không tiếp tục theo kiện vì “có ích gì”. Tôi đau lòng vì còn biết bao nhiêu trường hợp vẫn ở trong bóng tối, và những người lớn không hành xử như người lớn trước nỗi đau và bất công. Tôi đau lòng vì tự hỏi bao nhiêu trong số những nạn nhân được hỗ trợ tâm lý thay cho những màn tra hỏi và phải sống lại những khủng hoảng.

Bruce Terry (tác giả The boy who was raise as a dog), phản bác luận điểm trong giới tâm thần nhi rằng trẻ em có sức hồi phục (resilience) cao hơn hẳn người lớn, nên “trẻ em tự nhiên sẽ vượt qua sang chấn ổn hết thôi.” Trái lại, bộ não trẻ trong giai đoạn phát triển nên những tổn thương sớm trong tâm trí sẽ không cách gì đảo ngược lại được. Trẻ em không có sức hồi phục hơn người lớn, mà là khả năng sinh tồn của các em mạnh mẽ hơn mà thôi. Đôi khi vui cười là điều duy nhất các em biết để tồn tại - và hãy đừng để sự vô tư đó che mờ vai trò săn sóc và che chở của người lớn chúng ta.

Qua bài note này tôi muốn thể hiện rõ quan điểm của mình: mọi hành vi xâm hại đều cần bị ngăn chạn và lôi ra ánh sáng (khoan bàn tới việc trừng trị), mọi nạn nhân cần được thấu hiểu, bảo vệ (đặc biệt là danh tính và sự an toàn) và hỗ trợ vượt qua sang chấn. Tôi sẽ không im lặng trước bất cứ tội ác tình dục nào. Tôi sẽ trong khả năng và chuyên môn của mình giúp đỡ và đấu tranh cho một xã hội tôn trọng trẻ em và phụ nữ hơn.

Tôi cũng mong tiếng nói của mình khích lệ những bạn bè đọc bài này:
*Đừng im lặng trước bất công, dù biết có thể bạn chẳng thay đổi được gì (ngay)
*Lên tiếng thay cho những người yếu thế
*Khi một ai tiết lộ với bạn họ đã bị xâm hại, hãy nhìn vào mắt họ và đơn giản phản hồi rằng: tôi tin bạn
*Tìm kiếm những sự trợ giúp có chuyên môn cho nạn nhân
*Ủng hộ những dự án vận động chính sách hay thay đổi nhận thức xã hội. Trong đó thiết thực nhất bây giờ là ký tên kiến nghị điều chỉnh quy định về xử phạt quấy rối và bạo lực tình dục ở Việt Nam: https://bit.ly/2ux4eVC

Và tôi mong các em, cùng gia đình các em trong những vụ việc trên tiếp tục lên tiếng, tiếp tục đấu tranh cho công lý và sự thay đổi.

Vì đã có người dám lên tiếng.

Cleveland, 27.3.2019
---------------------
Lưu ý: Những nội dung trong ảnh chụp có chứa các ngôn từ có thể kích hoạt cho một số người. Vui lòng cân nhắc khi xem.
*Xem thêm tại #projectunbreakable: https://bit.ly/2HKO57o và https://bit.ly/2Wvngr9




Ảnh 1-3: Home is where it happens, 2016 (Nhà là nơi điều đó xảy ra)
Chất liệu cotton, in kỹ thuật số, được may tay và bằng máy
Khổ 63 x 90”
Khối thêu: nhà
Tác giả: John Seyfried
“Nội dung là tường thuật của nạn nhân bị xâm hại nghe ở nhà, hay kể lại từ gia đình và người thân. Họ mô tả lại lời nói hoặc hành vi của kẻ xâm hại, hay phản ứng của những người khác khi họ dám tiết lộ. Các khối chần hình ngôi nhà biểu trưng cho nghịch lý nhà đáng ra là nơi an toàn”








Ảnh 4-8: Hush-a-Bye, Baby, I & II, 2016 (Yên nào, bé cưng)
Chất liệu cotton, in kỹ thuật số, được may tay và bằng máy
Khổ 77 x 76”
Khối: lập phương
Tác giả: John Seyfried
“Những trích dẫn của nạn nhân nữ bị xâm hại lúc nhỏ. Các khối may lập phương là các trang trí truyền thống để chào đón một đứa trẻ ra đời”





Ảnh 9-10: Silence is Golden, 2016 (Im lặng là Vàng)
Chất liệu cotton, in kỹ thuật số, được may tay và bằng máy
Khổ 72 x 52”
Khối: ngôi sao thinh lặng
Tác giả: John Seyfried
“Những trích dẫn lời của kẻ xâm hại hoặc từ những người mà nạn nhân tìm đến sự giúp đỡ. Tất cả đều cố bịt miệng nạn nhân.”







Ảnh 11-13: Blame Game, 2017 (Trò đổ lỗi)
Chất liệu cotton, in kỹ thuật số, được may tay và bằng máy
Khổ 42 x 60”
Khối: lỗi tại tôi
Tác giả: John Seyfried
“Những lời này nhằm đổ tội hay hạ nhục nạn nhân, từ kẻ xâm hại hoặc từ những người mà nạn nhân tìm đến sự giúp đỡ.”






Ảnh 14-15: Love Doesn’t Shove, 2017 (Cưỡng ép không phải tình yêu)
Thiết kế kỹ thuật số bởi Noelle Ivec, in màu bởi Spoonflower, may tay và bằng máy
Khổ 46.5 x 61.5”
Tác giả: Rick Zack
“Những lời được xếp thành hình trái tim, thuật lại lời kẻ xâm hại đối với nạn nhân. Họ đã từng có mối quan hệ tình cảm với nhau.”





Ảnh 16: Empowering, 2017 (Nâng đỡ)
Chất liệu cotton, in kỹ thuật số, được may tay và bằng máy
Khổ 23 x 68”
Khối: David và Goliath
Tác giả: Rick Zack
“Những lời từ những người tin câu chuyện của nạn nhân, và đó là sự nâng đỡ lớn nhất giúp họ chữa lành”






Ảnh 17-18: One in Five, 2017 (Một trong năm)
Đa chất liệu vải, chỉ màu, kết hợp thêu và dệt thổ cẩm
Khổ 48 x 61”
Tác giả: Rick Zack
“Tác phẩm thêu chần trong bộ không kèm những lời trích của dự án Unbreakable. Đây là tác phẩm dành tặng những cá nhân, 20% phụ nữ, những người bị ép buộc giữ im lặng sau khi phải trải qua việc bị xâm hại. Đây là hy vọng của tác giả với những phụ nữ, lẫn đàn ông trải qua sang chấn tương tự, hãy không ngừng tiến lên phía trước.”


Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng