Đúng giờ


“Đúng giờ là phép lịch sự của bậc quân vương.”

[Punctuality is the politeness of kings.]

--Vua Louis XVIII (Pháp)


Chúng ta vẫn bảo nhau “thời giờ là tiền bạc”. Nghịch lí ở chỗ đa số chỉ coi trọng “tiền bạc” của bản thân nhưng lại xem thường “tiền bạc” của người khác. Và cách biểu lộ rõ nhất của hành vi trên là thói quen “trễ một chút cũng không sao”.

Người Á Đông, vốn ảnh hưởng nặng bởi văn hóa nông nghiệp khá thoáng trong vấn đề thời gian – đến độ dễ dãi. Với một số người, đi trễ cho họ cảm giác mình là người quan trọng. Dần dà, chúng ta xem chuyện đến sớm là bất thường và ai cũng né tránh phần thiệt thòi khi làm người đúng hẹn.

Văn hóa phương Tây lại hoàn toàn trái ngược, với họ 1 phút cũng bị xem là trễ. Lối sống công nghiệp khiến họ hết sức coi trọng thời gian của bản thân lẫn của người khác. Nếu có khả năng đến trễ, họ sẽ báo ngay trước giờ hẹn, kèm lời xin lỗi thay vì “thây kệ, đằng nào cũng trễ rồi”.

Một sự trùng hợp là các sự cố bất ngờ, việc đột xuất dường như luôn rơi đúng những người có cố tật trễ nãi ngay khi họ chuẩn bị bước ra cửa. Sự thật là tâm trí họ đã được lập trình “tôi sẽ trễ”, nên trong vô thức họ tự hút vào mình những rắc rối “phút chót”.

Đúng giờ không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối phương mà còn là thước đo sự chuyên nghiệp và uy tín cá nhân. Nhà tuyển dụng liệu có chọn ứng viên đến muộn hơn nửa tiếng? Một diễn giả sẽ tạo ấn tượng ban đầu thế nào khi để hàng trăm con người ngồi chờ? Ta có sử dụng dịch vụ bị mang tiếng luôn giao hàng chậm trễ? Lẽ hiển nhiên, người đúng hẹn luôn luôn đáng tin cậy hơn những ai “giờ dây thun”.

Bạn có những cuộc hẹn nào tuần này? Bạn sẽ thể hiện tác phong của mình như thế nào?

Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng