Tại sao tôi chụp ảnh?


“Ồ, chịu chơi ghê, đúng là thú vui xa xỉ”
“Sướng nhé có máy xịn, tha hồ chụp gái đẹp”
“Mày bấm cho cả nhà mấy kiểu”
“Tính làm nhiếp ảnh gia à?”

Đó là những lời quen thuộc tôi hay nghe khi sắm chiếc DSLR đầu tiên và tập tành bấm bấm…

Thật ra, tôi chẳng nghiêm túc mấy về việc chụp ảnh như một đam mê, huống hồ chẳng coi nó là một thú vui hay để khoe mẽ đẳng cấp đua cho bằng người ta. Chứ đừng nói tới việc muốn nổi danh hay nghề tay trái tay phải.

Trước giờ tôi không phải người mặn mà lắm với nhiếp ảnh – hay chính xác hơn là việc cầm máy ảnh/ điện thoại hay cái gì đó đại loại có chức năng camera lên chụp là ngán lắm. Có lẽ xuất phát từ một tín điều:

NẾU BIẾT KHOẢNH KHẮC NÀY SẼ RA ĐI MÃI MÃI THÌ CHI BẰNG TẬN HƯỞNG NÓ, CHÌM ĐẮM TRONG NÓ VÀ LƯU GIỮ NÓ TRONG TÂM TRÍ

Đôi mắt thật quý giá làm sao, vậy nên tôi hết sức cảm thương những người khiếm thị hay mất đi ánh sáng. Nó chính là những chiếc camera “xịn” nhất của tạo hóa ban cho con người, không một máy ảnh, máy quay nào trên đời có thể tái hiện lại chính xác những gì ta đang thấy, đang cảm. Vậy nên xem live lúc nào cũng đáng tiền hơn mở ti vi, youtube. Hơn thế nữa, bộ não con người đủ dung lượng để cất trữ mọi phút giây trong đời được “ghi hình” lại. Tôi tin nếu ta muốn nhớ mãi một kỷ niệm nào, thì nó luôn luôn được gìn giữ an toàn tuyệt đối trong lòng, không cách gì tước khỏi ta được (đáng tiếc là có những ấn tượng khác ta chỉ muốn quên đi cho rồi mà không thể delete)

Nên hồi đó khá dị ứng với mỗi lần có một khung cảnh đẹp, màn trình diễn hay, dịp vui nào đó là hàng tá camera điện thoại được lôi ra tạch tạch tạch tạch… Chúng ta trân trọng vẻ đẹp một bông hoa bằng cách bỏ nó vào màn hình di động về “lâu lâu” lôi ra ngắm, thưởng thức một giọng ca truyền cảm qua việc quay họ lại để ngồi xem sau ư? Có thể là cách của nhiều người, không phải cách của tôi. Bông hoa rồi cũng úa tàn và không có 2 bông hoa nào giống hệt nhau trên đời; ca khúc rồi cũng phải kết thúc, dù người nghệ sĩ có lặp lại chính xác từng lời, từng động tác thì cảm xúc họ đã khác, người nghe cũng cảm khác mất rồi. Tại sao không nuốt từng giọt rung động ngay lúc này đây?

Dị ứng thứ hai là cách dàn xếp “cho bức ảnh đẹp”: một hai ba cười nào, nhìn thẳng máy, xích bên này tý, nghiêng bên kia tẹo – để được gì ngoài một khoảnh khắc cố tạo ra vẻ “tự nhiên”? Mà mỗi lần phải chụp 2, 3 tấm đi cho “chắc ăn”. Hay với sự ra đời máy ảnh kỹ thuật số, người ta khuyến khích hãy bấm thả cửa càng nhiều càng tốt, không thích thì bỏ và trong hàng loạt pose thế nào chả dính một hai kiểu “đỉnh”. Chà, thử tượng tượng dân mê selfie mà chụp máy phim hay polaroid thì phải biết.

Vâng, nghe có vẻ khá cực đoan.

Tôi vẫn giữ cái nhìn kỳ thị về chụp ảnh như thế cho đến một ngày. Đó là khi theo khóa học về trị liệu bằng nghệ thuật, cô giáo – một con người tuyệt vời, đã gợi mở cho tôi:

MÁY ẢNH LÀ PHÁT MINH DUY NHẤT ĐẾN THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI CỦA NHÂN LOẠI CÓ THỂ “ĐÓNG GÓI” MỘT KHOẢNH KHẮC VĨNH VIỄN

Nhưng khoảnh khắc ở đây là khoảnh khắc trong tâm bạn, khoảng khắc của cảm xúc, tinh thần, tâm linh của bạn về cuộc sống ngay phút giây ấy. Thế giới bên ngoài chẳng qua chỉ là tấm gương phản ánh những gì diễn ra bên trong ta mà thôi. Với những nhiếp ảnh gia chân chính, mỗi tấm ảnh không chỉ thể hiện bản ngã cá nhân, quan niệm về nhân sinh mà còn là một câu chuyện chia sẻ với thế giới qua ngôn ngữ ánh sáng.

Đúng là được mở mắt!

Thế là tôi bắt đầu chụp. Chụp chính nội tâm mình qua lăng kính nhìn cuộc sống. Tôi chụp không đặt nặng chủ đề hay tuân theo trường phái nào cụ thể, cốt làm sao nắm được cái “thực” nhất, so với những gì mắt và tâm đang cảm. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng nhiều từ phong cách chụp của các tác giả streetstyle (nhiếp ảnh đường phố), ngẫu hứng, bản năng và tôn thờ tính chân thực. Tôi tránh tối đa, thậm chí thù ghét sự canh thiệp vào bối cảnh. Thà có con vịt thật xấu xí còn hơn tạo ra con thiên nga giả (và cố rao với thiên hạ nó là hàng hiệu thật).

Mặc dù không đề cao kỹ thuật bài bản, tôi vẫn nghiên cứu tài liệu, học lớp nhiếp ảnh cơ bản, giao lưu offline hay tham khảo các tác phẩm từ nhiều nguồn. Với tôi, kỹ thuật bấm máy chỉ hòng giúp mình bắt được khoảnh khắc tốt hơn, thay vì để chụp đẹp hơn. Nói nghe phũ phàng nhưng mỗi dịp được nhờ xách máy chụp theo yêu cầu (gia đình, event), tôi chụp với tâm thế “luyện tay” cho mình chứ chẳng vì chủ thể. Đểu nhỉ.

Tôi bấm máy cũng rất “keo”, ai không biết chắc tưởng tôi đang cầm máy phim. Khi chợt “có hứng” trước một đối tượng, tôi chỉ giơ lên bấm 1 phát, xong! Tôi thích chạy lăng xăng tìm các góc chụp khác nhau, nhưng hiếm khi chụp đi chụp lại, và không bao giờ “xả nguyên băng”, chỉ một pose một. Vậy sẽ có nhiều tấm không đẹp? Đúng, nhưng đã nói tôi đâu cần đẹp. Thực tế do tay nghề amateur và lối bấm cứng nhắc này tôi có hàng đống tấm out nét, méo lệch, dư thiếu sáng, bố cục ẩu, v.v… đó là những bài học qua trải nghiệm, cũng như sự thiếu hoàn hảo của cuộc sống. Và như chính con người dù có hệ thống tái hiện tuyệt mĩ qua đôi mắt trái tim khôi óc biết bao nhiêu giây phút chúng ta vẫn nhìn đời hờ hững, ngây ngô và đôi khi thiếu trân trọng đó sao. Có hơi hướng thiền một chút, tôi cố gắng tập mỗi lần ngắm chụp là một khoảng khắc thu mình vào trong khuôn ảnh ấy – bởi đó là lần cuối được mực kích nó.

Tuy đúng là không bám vào chủ đề, công thức nhất định nào, chính tôi nhận ra những khuôn mẫu của bản thân qua các bức mình chụp. Mỗi lần xem lại, chúng lại tiết lộ thêm một chút về con người mình, cách mình suy nghĩ cảm nhận, cả những mảng sáng lẫn mảng tối của bản thân. Up ảnh lên mạng một lần nữa cũng là cách tôi tập mở lòng chia sẻ con người thật của mình với xung quanh.

Nếu bạn thấy một bức ảnh trên gallery của NhatNguyen bật lên điều gì đó, cũng là bạn đã cảm được tôi trong khoảnh khắc ấy!

À, có người sẽ bảo: Giời ạ, vẽ chuyện chi cho phức tạp thế không biết? Sao không đơn giản chụp là chụp đi cha nội. Ừ, thì đôi khi tôi cũng nghĩ vậy đấy, hihi.

Và tôi vẫn chỉ là một tay mơ tập tành nhìn cuộc sống…










Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng