Dũng cảm

Bài cũ 2015, nay siêng khai quật đăng lại :)



Trước giờ mình không phải dạng thích tranh cãi thị phi (nhất là từ báo chí), hay muốn dùng facebook cá nhân thành nơi phản bác người khác. Tuy nhiên lần này mình thấy cần phải lên tiếng với tư cách một cá nhân trong ngành, vì nó ảnh hưởng đến hình ảnh nghề, tới những người đang làm đào tạo một cách nghiêm túc.
Trò đi qua miểng chai không có gì mới - tương tự với đi qua than hồng (fire walking), qua gai hoa hồng, đinh, hay tay không công phá mảnh gỗ, bẻ gãy mũi tên đâm vào họng,... Hồi còn ở công ty đào tạo cũ mình cũng từng tổ chức khá nhiều hoạt động kiểu này, đây chỉ là một bài tập để tạo hiệu ứng trong huấn luyện, giúp học viên chiến thắng nỗi sợ bản thân. Người trong nghề chẳng lạ gì, có điều đây được xếp vào các hoạt động mạo hiểm, có thể gây rủi ro trong lúc thực hiện nên đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt đối với bên tổ chức. Người chủ trì cần hết sức vững chuyên môn, các biện pháp ngăn ngừa - mà đội ngũ hỗ trợ cũng cần tập huấn bài bản để đảm bảo an toàn cho người tham gia. Và trong bất kỳ chương trình lên tinh thần hay thử thách nào, hay video, tv show của nước ngoài dính dáng tới những hoạt động này - luôn luôn đề cập "The above dangerous activities are performed only by trained professionals so don't try this at school or at home". Có điều, khá nhiều quý vị VN đi học khóa nào đó ở trong nước ngoài nước là nhanh tay "học lỏm" về xào nấu lại thành bài của mình. Không qua bất kỳ chứng nhận hay tư vấn chuyên nghiệp nào. 
Bản thân mình không ủng hộ kỹ thuật này lắm, nhưng vẫn tôn trọng các cá nhân tổ chức làm với sự đầu tư kỹ lưỡng, có dụng ý để giúp ích quá trình nhận thức của học viên - chứ không phải thành phần sử dụng nó như chiêu trò gây sốc song chẳng đọng lại ý nghĩa gì.
Chuyện không có gì đáng nói nếu chỉ gói gọn trong phạm vi huấn luyện, nhưng ấn bản thành sách có mục đích giáo dục thì lại là vấn đề khác.
Thứ nhất, đây không phải tài liệu tập huấn chuyên môn cho người tổ chức chuyên nghiệp - mà đối tượng độc giả (có thể) là các em học sinh lớp 1. Ở đây một kỹ thuật (nếu không muốn gọi là tiểu xảo, thủ thuật) được đưa làm ví dụ về lòng dũng cảm? Như vậy chẳng khác nào cổ súy một tư duy lệch lạc: Can đảm là dám làm các trò mạo hiểm - những việc mọi người sợ (vì lý do an toàn) mà mình dám chơi mới là anh hùng? Hơi có vẻ suy diễn nhưng cá nhân tôi không cho đây là cách dạy kỹ năng sống cho trẻ. Nhất là với lứa tuổi các em còn non nớt về nhận thức.
Tệ hại hơn không có bất cứ khuyến cáo nào dành cho phụ huynh, giáo viên ngăn các em tự thử nghiệm sau khi đọc.
Thứ hai, khi được chất vấn thì tác giả đưa ra lập luận "tôi đã dạy bài này suốt 10 năm qua mà có em nào bị chảy máu đâu"?!? Có lẽ đây là cách biện bạch khá phổ biến ở một đất nước nơi mà bằng cấp được coi trọng, nhưng tụt hậu về khoa học công nghệ và các chuẩn mực bị chà đạp. Một người làm nghiên cứu, làm giáo dục phải căn chứ trên các chứng cớ vững chắc, có kiểm nghiệm và bảo chứng từ những hiệp hội chuyên môn - đằng này lại là chủ nghĩa kinh nghiệm cá nhân. Đơn cử những ấn phẩm nước ngoài, phần nguồn tham khảo đôi khi có thể chiếm 1/3, 1/4 độ dày sách - nhưng thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, dựa trên các cơ sở luận cứ khoa học được công nhận. Liên quan tới con người chúng ta lại càng phải cẩn trọng hơn khi đưa ra hướng dẫn, bài giảng - dựa trên những nền tảng giáo dục của thế giới, chứ không thể lấy cái mác "made in tự tui" ra làm chuẩn. 
Trả lời phỏng vấn tác giả cũng đưa ra lý lẽ đây là các bài tập để "làm chủ cảm xúc". Hiểu biết của tôi chắc chắn còn rất hạn hẹp, nhưng chưa từng biết tới phương pháp giáo dục nào có giáo trình dạy cảm xúc như vậy - đặc biệt ở lứa tuổi lớp 1. Có ai có giáo án ấy xin khai sáng cho mình nhé.
Có thể tác giả có chủ ý tốt qua quyển sách trên. Nhưng cách thức thực hiện và phản biện thì tôi (trên phương diện cá nhân) không cho là xứng tầm học vị tiến sĩ.
Thứ ba, qua một năm đầy những bất cập về ngành xuất bản thì kịch bản cũ vẫn lặp lại: sách cứ được cấp phép cho in, đến khi dư luận phát hiện có vấn đề thì người nọ đổ lỗi người kia. Phải chăng khâu kiểm duyệt và quản lý nội dung đã và đang bị bỏ xó? Ở đây tôi chỉ xin nói dưới góc nhìn một người yêu đọc sách, thị trường sách Việt quá khát những ấn phẩm dày công nghiên cứu, những tác phẩm có chất lượng và tâm huyết - và đó trở thành cơ hội cho những kẻ cơ hội? Khi mà ra sách giờ đây quá dễ dàng và trở thành công cụ đánh bóng tên tuổi - thay vì sách để gìn giữ tri thức và chia sẻ tư tưởng vị nhân sinh.
Thay lời kết, với vốn sống ít ỏi để trả lời cho câu hỏi "thế nào là dũng cảm?", mình nghĩ dũng cảm là: 
Dám nói lên chính kiến khi thấy điều sai trái (sai trái ở đây là những việc phương hại tới người khác)
Dám nhận trách nhiệm khi mắc lỗi và sửa sai
Dám làm điều đúng dù không được công nhận
Dám đối mặt nghịch cảnh thay vì chạy trốn
Dám trung thực với cảm xúc và thể hiện con người thật của mình
Và đó là điều mình sẽ dạy cho con cái mình (nếu sau này có, hihi)


Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng