Nhật ký đi học xứ người - Orchestra

Lần thứ hai trong đời được đi nghe nhạc thính phòng mà cứ cảm tưởng đây là lần đầu tiên. Mãi rồi mới nhớ à hồi 2011 ở Romania mình từng đi một lần mà không mấy đọng lại trong ký ức. Thôi thì cứ fresh với trải nghiệm càng tốt.

Buổi trình diễn do các học viên của học viện âm nhạc Cleveland thể hiện, qua các tác phẩm: Festive Overture, Op. 96 (SHOSTAKOVICH) - bài này mê nhất, về tìm nghe ngay; Cello Concerto (WALTON) - siêu buồn ngủ, dù khán giả vỗ tay rần rần vì anh chàng nhạc công Cello chính nghe đồn là thần đồng âm nhạc có gương mặt như Harry Potter; và 
Symphony No. 5 in E minor, Op. 64 quá nổi tiếng của TCHAIKOVSKY. 

Ấn tượng đầu tiên của mình là 9/10 khán thính giả toàn đầu tóc bạc phơ - tự hình dung 40-50 năm nữa nếu sống ở đất Mỹ này thì đây chắc là hình thức giải trí chủ đạo cho mình quá. Cảm giác được nhìn cả một dàn nhạc cụ gần cả trăm người tấu một bản giao hưởng thật là phấn khích khó diễn tả - ngay cả với một đứa tai trâu như mình. Liên tưởng tới các bản soundtrack, thật ngưỡng mộ những đạo diễn âm thanh các bộ phim ghê gớm cỡ nào. Quả âm nhạc là kênh dẫn vô cùng mạnh mẽ cho cảm xúc. Vì vốn trải nghiệm của mình quá khiêm tốn nên chả biết dàn nhạc này đẳng cấp cỡ nào ngoài... đã và hoành tráng. Đúng là để thưởng thức một thứ gì đó, từ ẩm thực đến nghệ thuật, mình cần một mức độ kiến thức tối thiểu trong mảng ấy để cảm thụ "tinh tuý" của nó, và quan trọng là phân định được chất lượng. Mà thôi, trước mắt cứ cảm nhận như một cách bản năng đi - dẫu sao đây chưa phải là hình thức giải trí số 1 của mình lúc này mà, ngoài việc đi nghe khiến mình tự thấy bản thân trí thức hẳn lên, hihi.

Người Mỹ đặc biệt kiệm vỗ tay, nhiều lúc ở trường có event giới thiệu nhân vật nào VIP hay ai mới phát biểu xong mình toàn quê là người duy nhất vỗ tay. Còn ở hoà nhạc thì các tràng pháo tay cứ liên hồi. Đặc biệt khi kết thúc cả thính phòng đứng lên vỗ chắc phải gần 10 phút, làm bác nhạc trưởng đi vô phải đi ra tới 3 lần để cúi chào. Có khi phần nào tại rất nhiều người ngồi ở dưới là phụ huynh và bạn bè của các bạn đang biểu diễn trên kia không nhỉ.

Buồn cười nhất là phát hiện dân Mỹ cũng lẫn lộn khái niệm, khi về cô bạn cho quá giang mới đơ ra khi mình hỏi orchestra và symphony giống nhau hay khác nhau. Tra từ điển mới biết orchestra để chỉ dàn nhạc - đặc biệt phải có các nhạc cụ dây và khí, còn symphony để nói về các bản nhạc hoà tấu viết cho orchestra :)



Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng