Văn hóa – chỉ để khoe, mà biết để khoe cũng còn đỡ



Cứ mỗi dịp trao đổi văn hóa, bạn bè quốc tế lại nhao nhao “Này, mày phải vận đồ TRUYỀN THỐNG đấy nhé!” “Nhớ trình diễn ca múa nhạc, văn hóa nghệ thuật TRUYỀN THỐNG của nước mày nữa” và abcd các thứ khác…

Thú thực tôi không mặn mà mấy với mấy món TRUYỀN THỐNG cho lắm, nhìn cô gái Việt Nam áo dài sao mà thướt tha thế - còn thằng đực rựa trong bộ áo dài khăn vấn, lúc còn ở trong nước có mơ cũng không tưởng tượng ra nổi. Được cái mình trông mình ngộ nghĩnh, chứ bạn bè các nước thôi thì cứ gọi là trầm trồ khen đẹp.


Cả đời không bao giờ đụng đến cái áo dài, chờ đem ra nước ngoài vận cho người ta biết VĂN HÓA VIỆT
Hát múa thường là khoản dễ nhất để trổ tài với nước bạn, ấy dễ với ai chứ với cái “tài” của em nó thì… Thôi cũng ráng hót mấy câu “trống cơm”, “Bắc kim thang”,… cộng vài điệu múa tự chế. Bạn bè khen nghệ thuật nước mày hay thế, à thế thì tốt.

Xưa nay đố có động tay vào nhạc cụ dân gian nào; nhảy cha cha cha thì biết chứ múa cổ truyền thì em chịu; còn bàn về cải lương, quan họ, chèo,… 1 chữ bẻ đôi cũng không biết. Ấy thế cũng bày vẽ trình diễn VĂN HÓA VIỆT cơ đấy.

Lịch sử từ thời xửa thời xưa, địa lý khí hậu từ bắc chí nam, sắc tộc 54 đủ cả,… phim ảnh, số liệu, trình chiếu rất ư là hoành tráng. Xin thưa anh GOOGLE và WIKIPEDIA mách cả đấy ạ. Kệ, miễn bạn bè gật gù biết đấy là Việt Nam là đủ.

Từ thuở cắp sách đến trường, học để lấy điểm là chính chứ có khái niệm mấy về VĂN HÓA VIỆT trong đầu hay tìm tòi gì đâu.

Ô cứ ngỡ Việt Nam trên trường quốc tế to lắm – đừng nói đi đến châu Âu, châu Mỹ, châu Phi xa xôi lắm, nội trong châu Á thôi mà nhiều người còn không biết có cái nước Vietnam ở đâu ra. May mắn gặp ai biết tý xíu về Việt Nam thì thường là “À, tao có từng nghe nói tới Vietnam war”. Chà, còn nhiều việc phải làm lắm để cái chữ Việt Nam to lên…

Hãnh diện nhất về món ăn xứ ta, không phải cổ súy cho ẩm thực Việt chứ món ăn Việt Nam vẫn là “năm bờ oăn”. Cái này khỏi khoe bởi ai từng nếm cũng phải công nhận, vả lại người Việt ở hải ngoại kinh doanh nhà hàng là chính mà – đỡ tốn công PR, hà. Phải cái biết cách nấu 1 món gọi cho ra chánh gốc Việt Nam thì mù tịt.

À, cứ tưởng mình là người Việt là biết VĂN HÓA VIỆT ư... tự thấy mình dốt văn hóa mình thấy sợ cộng thêm trong máu thiếu chất tự hào dân tộc.

Chuyến đi Ấn Độ lần này đúng là được mở mắt. Ấn quả là vùng đất của trí tuệ, tâm linh và văn hóa. Ở bất cứ nơi đâu, từ khu ổ chuột hay nhà cao tầng, từ bình dân đến thượng lưu – bất kể những chỉ trích gần đây về giới trẻ bị Âu hóa, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp và trầm trồ trước cái hồn Ấn Độ vẫn đậm chất trong mỗi người Ấn và mọi góc cạnh của cuộc sống nơi đây. Trang phục truyền thống là mốt ăn vận hàng ngày, các tục lệ, nghi lễ tôn giáo là 1 phần gắn liền với đời sống, các anh hùng dân tộc được sùng kính, các thú ăn uống, vui chơi giải trí vẫn “made in India”… Người Ấn không chỉ tự hào “khoe” về văn hóa Ấn Độ mà họ tự hào sống với nét văn hóa riêng ấy trong từng hơi thở hàng ngày.

Nhìn người ta mà nghĩ đến mình. Thiết nghĩ bé tới lớn chỉ nghe có khoa Việt Nam học ở ĐH, chưa từng biết đến môn học “Văn hóa Việt” được phổ biến rộng rãi ở trường lớp hay nhà văn hóa nào cả. Cái “nét Việt” ôi sao mà khó “sống” trong xã hội ngày nay…

Khá khen cho anh chàng nào can đảm vận áo dài đi làm hay đi chơi với bạn gái (nếu có thì cô bạn gái đó cũng can đảm không kém).

Hát nhạc Âu Hàn, tệ lắm nhạc trẻ, chơi guitar, trống, nhảy hiphop hoặc biết khiêu vũ được coi là sành điệu – ca vọng cổ (dạ, trừ vọng cổ teen) chơi đàn bầu múa dân tộc thì… chà, người của thế kỷ nào đây?

Nếu muốn đi chơi, giải trí thì đi xem phim, café, hát karaoke, tắm biển,… muốn tìm chốn yên tĩnh không ai làm phiền thì đến viện bảo tàng, thư viện, làng nghề truyền thống.

Ít tiền: hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều tiền: hàng Nhật, hàng Mỹ (hàng Trung Quốc đang lên giá kìa)

Điện ảnh nước nhà cũng làm phim 3D đấy nhé, nhân tiện phải mượn kịch bản nước ngoài hoặc dàn dựng kiểu Trung Quốc chứ thuần Việt không có lời. Phim đậm chất Việt hoặc do nước ngoài làm hoặc để… đem dự liên hoan Phim.

Chùa chiềng cứ đến ngày rằm, ngày lễ lại đông như kiến – Phật với thánh lại nhức đầu với đủ thứ cầu: cầu an, cầu tài, cầu duyên, cầu số (đề),... Ngày thường tìm hiểu phật học hay thiền định lại chẳng có ma nào tới.

Cười ra nước mắt khi đọc báo lại thấy tin “con ra nước ngoài không dám nhận là người Việt Nam”, “học sinh thuộc sử Tàu hơn sử ta”, “những bài văn khiến giáo viên khóc thét”,…

Khoa Việt Nam học và Việt ngữ chưa bao giờ trong lịch sử là khoa hot nhất để đăng ký ĐH (trừ sinh viên nước ngoài). Tương tự chưa từng thấy các môn lịch sử, địa lý, tiếng Việt là lựa chọn hàng đầu của sinh viên học sinh Việt Nam.

Khách Tây??? Cơ hội moi tiền thứ nhất, giới thiệu văn hóa thứ hai – mà quảng bá mà không kiếm chác được thì coi như vứt.

Trừ món ăn Việt Nam, không gì thay thế nổi.



Oài, chuyến này phải về học lại VĂN HÓA VIỆT thôi, dù chỉ để khoe cũng phải biết để mà khoe.

Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng