Đam mê không đến trong 1 ngày

Ngày nay đâu đâu chúng ta cũng nghe về Đam mê - "sống bằng đam mê", "tìm kiếm đam mê", "khơi nguồn đam mê", vân vân và vân vân... tiếc thay cụm từ này đang bị lạm dụng và hiểu sai. Giới trẻ được khích lệ đi tìm công việc mình yêu thích, phải có khát vọng, phải đam mê mới làm. Và kết quả? Các bạn trẻ (và ngay cả mỗi chúng ta nữa) vẫn cứ mất phương hướng sau một thời gian tìm kiếm.

Phải chăng chúng ta quá lý tưởng hóa cái gọi là Đam mê trong công việc - ví như tìm được người trong mộng, yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, rồi kết hôn và sống với nhau hạnh phúc trọn đời. Xin lỗi nhé, kịch bản đó chỉ có trong truyện cổ tích mà thôi. Tình yêu nếu xuất phát từ những hấp dẫn nhất thời thì sẽ sớm nở tối tàn. Chỉ có sự thông hiểu, tôn trọng và cùng nhau trải qua nhiều thử thách theo thời gian thì ta mới nhận ra "À, 2 ta đúng là của nhau!"

Đam mê cũng vậy - nó đi đôi với sự nghiêm túc với nghề và không ngại dấn thân, cống hiến. Có thể chúng ta sẽ phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trong một thời gian dài cho những việc khó-yêu-ngay-từ-đầu để một ngày mới hé lộ "tình yêu đích thực". Chính những va chạm thực tế ấy là quá trình cần thiết cho mỗi người khám phá bản thân và nhận ra hướng đi dành cho mình. Vì đam mê không thể đến trong ngày một ngày hai.

-----
Bài viết Solving Gen Y's Passion Problem -  "Vấn đề về đam mê của thế hệ Y" - của Cal Newport. 

Không ít người trẻ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “theo đuổi niềm đam mê”, liên tục đòi hỏi công việc phù hợp với sở thích của mình và rất nhanh chán những việc khó khăn, nặng nhọc với lí do - “không phải niềm đam mê của tôi”. Điều này cần chấm dứt. Nhưng bằng cách nào?


Thế hệ Y (chỉ những người sinh từ thập niên 1980 đến giữa những năm 90 - là thế hệ trẻ nhất, chịu ảnh hưởng mạnh nhất của cơn bão cộng nghệ, mạng xã hội và nhiều thay đổi khác trong cuộc sống), mà tôi là một thành viên, đang bắt đầu tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên theo nhiều bình luận, mọi việc đang xấu đi.

Một quyển sách nổi tiếng nhất nói về thế hệ, này được đặt tên là “thế hệ TÔI” (Generation Me). New York Post gọi chúng tôi là “Thế hệ tồi tệ nhất”, trang USA today nhấn mạnh rằng chúng tôi được “nuông chiều” và “vỗ về quá mức”. Trong năm 2012, tờ New York Times gọi chúng tôi là “Thế hệ KHÔNG QUAN TÂM”, và nói rằng chúng tôi có lẽ đã tự thỏa mãn với việc ở nhà và check Facebook, mà đáng lẽ ra chúng ta phải lao ra tìm việc để cứu nền kinh tế. Con số đáng ngạc nhiên: một phần ba số người từ 25 đến 34 tuổi ở Mỹ đang sống với bố mẹ minh chứng cho điều này.

Với nhiều người, vấn đề cốt lõi của thế hệ này là rõ ràng: chúng tôi là những người hưởng thụ. Tôi không phủ nhận hành vi này, tuy nhiên sau khi nghiên cứu và viết một cuốn sách về tư vấn nghề nghiệp, tôi có một cách giải thích khác.Vấn đề không phải là chúng tôi có bản chất ích kỉ hoặc hưởng thụ. Thực ra chúng tôi đã được cung cấp thông tin sai lạc.

Thế hệ Y được lớn lên trong thời kì mà “theo đuổi đam mê của bạn” (follow your passion) trở thành một lời khuyên nghề nghiệp rất phổ biến. Biểu đồ ở dưới, được tạo bởi Google's N-Gram Viewer, cho thấy cụm từ này được xuất hiện ngày càng nhiều.

Bắt đầu từ 1990 cho đến năm 2008, cụm từ này xuất hiện ngày càng nhiều – đây cũng là giai đoạn mà thế hệ Y đang hình thành các quan điểm sống.

Vì sao đây lại là một vấn đề? Câu khẩu hiệu “theo đuổi đam mê của bạn” lại gây ra một hậu quả tai hại. Đây là một lời khẳng định rất khó để tranh luận xem xét đúng sai. Họ khuyên chúng tôi hãy nhắm tới cuộc sống, công việc mà mình thích. Tuy nhiên cụm từ này cần được làm rõ. Động từ “theo đuổi” ngụ ý rằng bạn bắt đầu bằng việc tìm ra đam mê và sử dụng điều này để tìm một công việc. Bởi vì niềm đam mê đứng trước công việc, dễ hiểu rằng bạn nên chọn việc sao cho bạn sẽ yêu thích nó ngay từ ngày đầu tiên.

“Chọn việc sao cho bạn yêu nó ngay từ ngày đầu” chính là nguồn gốc vấn đề. Khi tôi tìm hiểu về những người yêu công việc suốt đời của họ, tôi phát hiện ra rằng đa số họ phát triển niềm đam mê một cách dần dần, thường thông qua những mốc bất ngờ và phức tạp. Rất hiếm khi có ai yêu sự nghiệp của họ trước khi họ trở thành chuyên gia trong nghề. Sự hiểu biết chuyên sâu về nghề tạo ra sự tôn trọng công việc, sự sáng tạo, tự chủ, từ đó khiến bạn yêu nghề. Quá trình để thu được hiểu biết sâu về nghề có thể rất lâu và không dễ dàng chút nào.
Giai đoạn đầu của một sự nghiệp tuyệt vời có khi lại không hề tốt đẹp như bạn tưởng, giấc mơ “theo đuổi đam mê của bạn”, rằng bạn sẽ tìm ra một nghề hoàn hảo với bản thân, sẽ yêu ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, sẽ bị đập tan bởi thực tại. Thật dễ hiểu khi thấy thế hệ Y đòi hỏi nhiều về điều kiện công việc ngay từ đầu và thường xuyên cảm thấy thất vọng về những gì họ trải niệm (vỡ mộng).

Tin tốt là sau khi phân tích, chúng ta đã thấy giải pháp rõ ràng: Chúng ta cần một cái nhìn đa chiều  liên quan tới “nghề nghiệp hấp dẫn”. Chúng ta đang thiếu một cụm từ tốt để mô tả những năm đầu sự nghiệp khó khăn và vất vả, bạn ở mức độ thấp của công việc, không cảm thấy được truyền cảm hứng, nhưng đó là thời gian cần thiết để bạn rèn luyện những kĩ năng. Kĩ năng đó chính là nền tảng cho một sự nghiệp tuyệt vời. Nếu bạn vẫn ảo tưởng “theo đuổi niềm đam mê của bạn”, bạn sẽ bỏ việc ngay khi gặp phải những khó khăn trong thời gian này, vì “nó quá khó, tôi không thích nó, nghề này không phải niềm đam mê của tôi”. Chúng ta cần một cách sâu sắc hơn để phân tích giá trị của thời kì đầu đối với sự nghiệp lâu dài.

Chúng ta cũng thiếu một cách tinh vi để thảo luận vai trò của sự may mắn trong việc theo đuổi đam mê. Ví dụ như Steve Jobs đã nói: “The only way to do great work is to love what you do. If you haven’t found it yet, keep looking. Don’t settle.” – “Cách duy nhất để tạo ra điều tuyệt vời là yêu quý công việc của bạn. Nếu bạn chưa tìm thấy công việc đó, hãy tiếp tục tìm. Đừng an phận”. Đương nhiên là Jobs yêu việc xây dựng Apple, nhưng tiểu sử của ông cho thấy ông đã tình cờ bước vào sự nghiệp này khi ông còn đang quan tâm nhiều hơn về vấn đề triết học và tâm linh phương Đông. Đây là một câu chuyện phức tạp hơn việc Steve Jobs theo đuổi một niềm đam mê có sẵn, rõ ràng. Đây là những câu chuyện Thế hệ Y cần nghe nhiều hơn.

Đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ mà chúng ta cần nghe, những câu chuyện giúp thế hệ Y hiểu rõ hơn về cuộc đời, công việc. Chúng tôi cũng có tham vọng và sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nhưng chúng tôi cần được định hướng để đầu tư năng lượng sức trẻ này. “Theo đuổi niềm đam mê của bạn” là một khẩu hiệu truyền cảm hứng, nhưng đã đến lúc thay đổi nó.

Chúng tôi không cần slogan, chúng tôi cần thông tin – cụ thể, có bằng chứng xác thực về cách mọi người thực sự yêu thích việc họ làm.

Người dịch: Nguyễn Phương Mạnh - TEDxYouth@Hanoi


Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng