Không cần biết tuốt, chỉ cần biết mình

Thỉnh thoảng thiên hạ lại kháo nhau "bà tiến sĩ tâm lý X vừa ly dị chồng", "Ông diễn giả Y hay nói về sống bình an mà có kiềm chế được nóng giận đâu" hay "thằng bé kia con cô giáo Z dạy hay nổi tiếng đó, không hiểu sao nó học dốt vậy", vân vân và vân vân... Chốt lại: mấy người đó (tạm gọi là thông thái) nói hay hơn làm, chỉ được cái miệng - hay nhẹ nhàng hơn thôi, bụt nhà không thiêng.

Thế tại sao chúng ta vẫn tìm đến họ để được dạy dỗ, để được cho lời khuyên? Có mâu thuẫn không khi chúng ta vừa tin thầy vừa hoài nghi thầy. Vậy trở thành giáo viên để làm gì khi không dạy được ngay cả con mình? Học tâm lý ích chi khi chẳng xử lý được vấn nạn của chính bản thân?

Ngày trước mình cũng tự hỏi thế, và thành thực là cũng có vài định kiến về mấy vị kia, cho tới lần đi học một lớp về liệu pháp nghệ thuật. Có bạn hỏi cô giáo: Liệu với những gì đã tiếp thu và thực hành về tâm lý, mình có thể áp dụng cho những người thân để giúp họ được không? 

Cô giáo trả lời: Đừng có cố gắng việc đó, thậm chí đừng có ráng thử, sẽ không hiệu quả đâu. Bởi lẽ mẹ bạn không thể coi bạn như một nhà trị liệu, bạn cũng không thể đối xử với mẹ mình như một thân chủ - vậy làm sao mà trị liệu được. Mẹ bạn cần bạn là một người con, bạn bè của bạn cần bạn trong vai trò một người bạn - đó không phải là mối quan hệ đặt trên chuyên môn (professional). Hãy cứ là một người con, người bạn tốt là đã giúp đỡ họ rồi.

BINGO!

Người ta nói chừng nào bạn còn sống, bạn vẫn sẽ vẫn gặp những vấn đề. Mà ngay cả người chết cũng còn vướng vào rắc rối ấy chứ. Cả Đức Phật giác ngộ như vậy vẫn gặp những giới hạn, về già Người cũng bị đau lưng, sức yếu, rồi cũng viên tịch đó thôi. Vậy việc một người tư vấn hạnh phúc gặp trắc trở trong tình cảm của chính mình là hoàn toàn bình thường (và những thần tượng ngôi sao, thậm chí tổng thống ngoại tình lại càng bình thường) - điều đó chứng tỏ chúng ta vẫn là một con người với đầy đủ cảm xúc, có những lúc yếu đuối lẫn nghị lực để thay đổi bản thân. Nhiều người ảo tưởng phải thần thánh hóa bản thân (hay ai đó) mới thể hiện ta đây "cao tay". Vì để là một người thầy, nhà tâm lý, bác sĩ, mục sư, lãnh tụ, chăm sóc khách hàng,... hay bất cứ nghề nghiệp nào liên quan đến con người, trước hết ta phải là một con người đã. Có thể trong đời sống cá nhân chúng ta sẽ vấp ngã, thiếu kiềm chế, thừa cân, gãy đổ trong quan hệ như chính những khách hàng/ thân chủ ta làm việc, bởi ta vẫn không hoàn hảo giống như họ. Quan trọng ta rút ra những bài học, tìm kiếm sự giúp đỡ, sửa chữa sai lầm để không lặp lại sai lầm cũ lần nữa (tuy khá chắc chắn ta sẽ tiếp tục vấp phải những sai lầm MỚI trong tương lai) - và để làm được điều này không cần bằng cấp, chứng chỉ nào hết.



Sự thành công rực rỡ của hệ thống trường KUMON không phải từ một tư tưởng kinh doanh hay bí quyết giảng dạy mà bắt nguồn chỉ là tình thương giản dị của một người cha, mong muốn tìm ra phương pháp giúp con mình học tốt.

Có lẽ để mở một nhà hàng danh tiếng bạn cần là một đầu bếp chuyên nghiệp, để tư vấn cho chương trình sức khỏe cộng đồng bạn phải là chuyên gia dinh dưỡng. Nhưng để nấu một bữa ăn ngon đầm ấm ở nhà, có con cái khỏe mạnh đủ cân - bạn chỉ cần là một người mẹ, người vợ với đầy tình yêu thương muốn chăm sóc gia đình.

Có lẽ để giúp xoa dịu nỗi đau các nạn nhân chiến tranh, định hướng giới trẻ, giúp người khác giải quyết các vướng mắc bạn cần là chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu, tham vấn. Nhưng để hàn gắn mối quan hệ bạn chỉ cần một trái tim bao dung và 2 chữ "Xin lỗi", để làm gia đình hạnh phúc bạn chỉ cần là một người con (hay bất cứ vai trò nào) tốt nhất có thể. Chúng ta vẫn có thể định hướng cho con trẻ miễn không đối xử với bé như "học trò" mà như người cha người mẹ cho con mình.

Bạn đâu cần trở thành chuyên gia để giúp bạn mình, là một người bạn chân thành lắng nghe bạn mình giãi bày tự nó đã là một liệu pháp rồi.

Bạn cũng đâu cần là nhà tình yêu học, tình dục học (mặc dù có thể sẽ có một vài kỹ thuật hay ho nếu bạn là) để gìn giữ mối quan hệ, đơn giản hãy là một người yêu xứng đáng.

Rốt cục, để giúp người khác hay thậm chí thay đổi thế giới ta chỉ cần trở thành một người sống tốt hơn mỗi ngày với những vai trò ta đảm nhận. Còn về khía cạnh chuyên môn, người hành nghề chân chính là người sẵn sàng thừa nhận những giới hạn bản thân và nỗ lực như một con người bình thường để hoàn thiện mình, chứ không phải "tỏ ra nguy hiểm", hihi.


Comments

Popular posts from this blog

REVIEW: Tình dục thuở hồng hoang

Bài học từ chai Coca

Đường vòng